Trước áp lực nhu cầu thấp, các doanh nghiệp thép liên tục giảm giá bán để giả quyết hàng tồn kho, bớt áp lực về vốn lưu động và chi phí tài chính.
Doanh nghiệp giảm giá bán để xử lý hàng tồn kho
2022 được xem là năm “đáng quên” với doanh nghiệp thép khi nhu cầu suy yếu do thị trường bất động sản khó khăn khiến tiêu thụ chậm và giá bán cũng giảm theo.
Theo số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), trong năm 2022, Việt Nam tiêu thụ khoảng 18,7 triệu tấn thép thô, giảm 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu giảm mạnh 32% xuống 745 nghìn tấn.
Trước những khó khăn chung của thị trường khi giá nguyên liệu sản xuất thép tăng cao, dẫn đến chi phí sản xuất tăng cùng với nhu cầu thép sụt giảm có thể thấy lượng sản xuất thép thô cũng như lượng thép thành phẩm các loại được sản xuất giảm liên tục giảm so với cùng kì năm 2021 kể từ đầu Quý II/2022 cho đến nay.
Những tháng quý III và IV, đa phần các nhà máy đều trong tình trạng khó khăn do hàng tồn kho giá cao. Mức độ cạnh tranh giữa các nhà máy khốc liệt về giá bán và xâm lấn thị phần của nhau. Nhiều nhà phân phối phải cố gắng giảm hàng tồn kho trong bối cảnh giá giảm và nhu cầu sử dụng thấp trong giai đoạn tháng 5 đến tháng 8. Các nhà máy thì đẩy mạnh xuất khẩu để cân đối với kế hoạch sản xuất trong các tháng. Các nhân tố này khiến hầu hết nhà máy gặp khó khăn về sản xuất, kinh doanh và tài chính.
Trong báo cáo mới đây, Công ty Cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) cho rằng hàng tồn kho giá cao phần lớn đã được thanh lý hết vào trong 6 tháng cuối năm 2022, do các doanh nghiệp thép thường duy trì lượng nguyên vật liệu đủ cho 3 tháng bán hàng, và đã liên tục cắt giảm công suất từ tháng 7, thậm chí, đóng lò như Hoà Phát và Pomina.
Ngoài ra, lượng tồn kho thép toàn ngành đã về mức thấp nhất trong 5 quý. Kết thúc tháng 12/2022, hàng tồn kho thép các loại đã giảm còn 990.000 tấn (giảm 29% so với cùng kỳ năm ngoái). Trong đó, tồn kho xây dựng giảm 28% so với cùng kỳ năm ngoái, tôn mạ giảm 16%, HRC/CRC giảm 46%.
Bên cạnh đó, giá nguyên liệu sản suất đã duy trì ở mức thấp từ tháng 7/2022, giúp giảm giá vốn hàng tồn kho trong thời gian tới.
Tính đến cuối tháng 12/2022, lượng hàng tồn kho của các doanh nghiệp thép đã giảm đáng kể.
Theo đó, “anh cả” của ngành là Hoà Phát ghi nhận tồn kho còn khoảng 35.737 tỷ đồng, giảm 18% so với hồi đầu năm và giảm 40% so với hồi tháng 6. Đồng thời đây là mức thấp nhất trong 2 năm trở lại đây. Việc giảm hàng tồn kho giúp tập đoàn giảm gánh nặng vốn lưu động và chi phí tài chính.
Ngoài ra, trước đó, trong bối cảnh sức tiêu thụ chậm, Hoà Phát cũng chủ động giảm công suất thông qua việc đóng cửa 4/7 lò cao bất chấp việc tập đoàn này sẽ phải chi khoản tiền lớn khoảng 40 tỷ/lò cho việc tái khởi động khi thị trường ổn định trở lại.
“Chúng tôi tin rằng việc dừng hoạt động các lò cao để giảm sản lượng là biện pháp hợp lý để tồn tại trong giai đoạn khó khăn hiện nay”, Hoà Phát cho biết.
Vòng quay hàng tồn kho trong quý IV cũng được rút ngắn xuống 122 ngày, so với mức 126 ngày hồi quý III; nguyên vật liệu còn 61 ngày, thành phần và chi phí sản xuất kinh doanh dở dang còn 55 ngày.
Cuối năm 2022, đầu 2023, tuy giá thép đã có một vài nhịp điều chỉnh tăng nhẹ, nhưng do đã giảm sâu trước đó cùng với giá thành sản xuất vẫn cao, quý IV Hòa Phát vẫn tiếp tục phải trích lập thêm dự phòng hàng tồn kho 343 tỷ, nâng tổng số dự phòng này lên hơn 1,2 nghìn tỷ vào thời điểm kết thúc năm tài chính. Điều này làm gia tăng thêm gánh nặng cho giá vốn hàng bán vốn đã cao.
Pomina là doanh nghiệp có lượng hàng tồn kho giảm mạnh nhất tới 74% so với đầu năm xuống 1.235 tỷ đồng. Trong đó, một số sản phẩm, nguyên liệu ghi nhận đã được xử lý hết như thành phẩm tol (đầu kỳ là 130 tỷ đồng), thành phẩm phôi (đầu kỳ 108 tỷ đồng), phế liệu,…
Chi phí sản xuất kinh doanh dở dang còn 267 triệu đồng, so với đầu kỳ là hơn 324 tỷ đồng.
Cũng như Hoà Phát, hồi tháng 10, Pomina đã chủ động dừng sản xuất lò cao khi hoạt động tiêu thụ khó khăn và giảm bớt áp lực hàng tồn kho. Lò cao của Pomina hoạt động động từ cuối năm 2020 và đến tháng 3/2021 công suất đạt khoảng 90%.
Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp thép nào cũng ghi nhận hàng tồn kho giảm. Điển hình như trường hợp của Thép Tiến Lên khi hàng tồn kho tính đến cuối tháng 12/2022 tăng 5% lên 3.036 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là hàng hoá gần 2.400 tỷ đồng, tăng 23%. Doanh thu của công ty tăng 15% lên 5.327 tỷ đồng nhưng lợi nhuận giảm 98% xuống 7,5 tỷ đồng.
Hay với trường hợp của Gang Thép Thái Nguyên , hàng tồn kho ghi nhận tăng 22% lên 1.766 tỷ đồng. Trong lượng hàng tồn kho của công ty, nguyên vật liệu chiếm phần lớn nhất (1.342 tỷ đồng), tăng 56% so với đầu kỳ. Ngược lại, tồn kho thành phẩm giảm 25% xuống 404 tỷ đồng.
Thị trường ấm dần, doanh nghiệp bước vào giai đoạn “xây” hàng tồn kho trở lại
Giai đoạn cuối tháng 12 - đầu tháng 2, thị trường thép ấm dần trở lại, các nhà máy thép liên tục tăng giá với tổng mức tăng khoảng 1 triệu đồng/tấn. Điều này khiến thị trường trở nên bình ổn hơn trước, thúc đẩy việc tiêu thụ và từng bước tái tạo tồn kho.
BSC kỳ vọng sang năm 2023, lượng tiêu thụ thép sẽ có sự phục hồi nhờ tháo gỡ chính sách về bất động sản.
Trong một thông báo mới đây, Hoà Phát cho biết ngành thép đã trải qua giai đoạn khó khăn nhất và đang trên đà hồi phục. Công ty đã và đang theo dõi sát diễn biến thị trường để điều chỉnh hoạt động sản xuất kinh doanh một cách linh hoạt.
“Với năng lực tài chính vững vàng, Tập đoàn tiếp tục triển khai dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 đúng tiến độ nhằm bắt kịp nhu cầu khi thị trường tốt trở lại”, Hoà Phát cho biết.
Ngoài ra, theo nguồn tin từ Kallanish, Hòa Phát đã khởi động lại một lò cao ở Hải Dương và nâng công suất thép thanh thêm 700.000 tấn/năm. Lò cao này đã được khởi động lại từ ngày 27/12/2022 và sẽ mất 7 ngày để bắt đầu sản xuất phôi. Đây cũng là một tín hiệu cho thấy tình hình thị trường thép xây dựng đã cải thiện hơn.
Không riêng Hoà Phát, lãnh đạo Thép Pomina cũng tiết lộ kế hoạch mở lại lò cao vào quý 4/2023. Bởi, khó khăn nhất của ngành đã đi qua, và công ty nhận thấy 6 tháng đầu năm tới nhu cầu từ các công trình đầu tư công tăng, thúc đẩy tăng tiêu thụ thép.
Nguồn: cafef.com
Địa chỉ: 90-94 Trần Hưng Đạo, Điện Bàn, Quảng Nam
NVKD: Trần Gia Thịnh
Di Động: 0905563561
Email: kinhdoanh@tonduyminh.com
Website: tonduyminh.com
- HỘI THẢO GIỚI THIỆU CÁC DÒNG SẢN PHẨM & GALA DINNER TÔN VINH PHÁI ĐẸP NHÂN NGÀY 8/3 (09.03.2023)
- Cùng Duy Minh tìm hiểu tôn PU 3 lớp (13.02.2023)
- Tuyên bố lãi ngân hàng 6,5%/năm thì Hoa Sen không vay, xuống 6,2% mới vay (10.03.2023)
- Hoà Phát (HPG): Thị trường trầm lắng do sức cầu yếu, sản lượng bán hàng trong tháng 2 chỉ bằng 70% c (06.03.2023)
- Thị trường ngày 02/3: Giá sắt thép trên thị trường lại tăng (02.03.2023)
- Ngành thép còn khó khăn hết quý 1/2023, đầu tư công không hẳn là động lực lớn (28.02.2023)
- Giá thép xây dựng tiếp tục tăng hơn 1 triệu đồng/tấn (27.02.2023)
- Lợi nhuận 2023 của Hoà Phát, Hoa Sen và Nam Kim được dự báo ra sao ???? (27.02.2023)
- Thép trong nước tăng giá lần thứ 5 (25.02.2023)
- Hòa Phát thường đặt kế hoạch khá thận trọng trong khi Hoa Sen thường không đạt kế hoạch kinh doanh (25.02.2023)